Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Hệ thống cân bằng điện tử PSM hoạt động như thế nào?

Hệ thống cân bằng điện tử PSM hoạt động như thế nào?


[​IMG]
Tại sao hệ thống cân bằng điện tử PSM lại quan trọng?

PSM là chữ viết tắt của cụm từ Porsche Stability Management, tên của hệ thống cân bằng điện tử. Mỗi hãng xe có một cách viết và ký hiệu khác nhau tuy nhiên đều có chung một chức năng.

Vấn đề an toàn của xe có thể chia thành 2 loại: an toàn chủ động và an toàn thụ động. An toàn chủ động bao gồm hệ thống các thiết bị có chức năng ngăn chặn, hạn chế tối đa việc để xảy ra tại nạn cho xe. Ngược lại, hệ thống an toàn thụ động là hệ thống các thiết bị chỉ được kích hoạt hoạt động khi xảy ra tai nạn và nó có tác dụng bảo vệ con người trong trường hợp đó, ví dụ như: hệ thống túi khí, dây đai an toàn…

Hệ thống cân bằng điện tử được coi là một trong những giải pháp an toàn chủ động hữu hiệu cùng với các hệ thống phanh ABS, hệ thống kiểm soát lực bám TCS, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD.

Nếu hệ thống phanh ABS có chức năng điều khiển quá trình phanh hãm xe lại (theo chiều dọc), hệ thống kiểm soát lực bám TCS điều khiển lực kéo của xe tiến về phía trước (theo chiều dọc xe), hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD điều khiển lực phanh tại mỗi bánh xe thì hệ thống cân bằng điện tử xe ô tô (DSC/ESC/ESP…) có chức năng kiểm soát độ cân bằng, ổn định của xe khi có hiện tượng bị văng đuôi, trượt ngang khi đi vào cung đường cua hoặc đánh lái đột ngột ở tốc độ cao.


[​IMG]


  • Hình ảnh minh họa mối quan hệ/chức năng của các hệ thống ABS, TCS, ESC

Nguyên tắc điều khiển ESC có thể chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Khi xe vào cua ở tốc độ cao và đánh lái non (đánh lái thiếu)

Khi xe vào cua ở tốc độ cao nếu người lái đánh lái quá non (còn gọi là đánh lái thiếu) xe sẽ có xu hướng bị văng ngang ra khỏi cung đường điều khiển mong muốn điều đó sẽ dễ dàng gây ra hiện tượng lật, trượt ngang xe mất an toàn và có thể gây ra tai nạn. Khi xe bắt đầu có xu hướng trượt ngang, cảm biến trượt ngang và góc lái xe gửi tín hiệu về hộp điều khiển ESC, dựa vào các tín hiệu đó ESC sẽ tính toán và đưa ra tín hiệu điều khiển thực hiện việc chủ động phanh bánh phía đối diện với hướng xe bị trượt (bánh sau bên phải), lực phanh tạo ra tại bánh xe có tác dụng như một tâm quay để tạo ra mô men bù lại lực trượt ngang giữ cho xe có thể ổn định và tiến về phía trước theo đúng cung đường mong muốn.

Trường hợp 2: Khi xe vào cua ở tốc độ cao và đánh lái bị quá (đánh lái thừa)

Tương tự cách giải thích như trường hợp 1, tình huống này do người lái thực hiện việc đánh lái bị quá nhiều khi vào cua gấp dẫn đến hiện tượng xe có thể bị văng đuôi và chệch khỏi quỹ đạo của cung đường mong muốn. Khi đó hộp điều khiển ESC cũng sẽ gửi tín hiệu điều khiển thực hiện việc phanh bánh trước bên lái, lực phanh tạo thành tâm quay (vì khi đó các bánh bên phải vẫn quay bình thường) và sinh ra mô men bù để giữ cho xe cân bằng, ổn định và tiến về phía trước theo đúng cung đường mong muốn.

Có thể nói bản chất hệ thống cân bằng điện tử là tổng hợp của các hệ thống: điều khiển chống bó cứng bánh xe khi phanh ABS, kiểm soát lực bám khi tăng tốc của xe TCS, phân phối lực phanh một cách hợp lý tới mỗi bánh xe và điều khiển độ ổn định của xe khi bị văng đuôi, trượt ngang.

Đèn báo ESC sẽ bật sáng khi người lái bật chìa khóa trong khoảng 15 giây đầu tiên sau đó sẽ tắt, khi hệ thống ESC hoạt động đèn sẽ sáng nhấp nháy, nếu hệ thống có lỗi thì đèn luôn bật sáng dù động cơ đang nổ máy, xe đang chạy. Khi đó chúng ta cần đưa xe tới xưởng dịch vụ chính hãng để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa lỗi.

[​IMG]

Video mô phỏng nguyên lý hoạt động của hệ thống cân bằng điện tử trên ô tô


Nguồn: oto-hui.com


EmoticonEmoticon